Những chiếc bánh chưng xanh là hương vị đặc trưng là món ăn ngon ngày Tết cổ truyền miền Bắc. Ngày Tết mọi người quây quần cùng gói bánh chưng luôn là khoảnh khắc sum vầy, hạnh phúc mà ai cũng chờ đợi. Tết năm nay bạn muốn ngồi gói bánh chưng cùng gia đình? […]

Những chiếc bánh chưng xanh là hương vị đặc trưng là món ăn ngon ngày Tết cổ truyền miền Bắc. Ngày Tết mọi người quây quần cùng gói bánh chưng luôn là khoảnh khắc sum vầy, hạnh phúc mà ai cũng chờ đợi.

Tết năm nay bạn muốn ngồi gói bánh chưng cùng gia đình? Hãy học cách làm bánh chưng của Công thức nấu ăn ngay bây giờ nhé.

Bánh chưng xanh là hương vị Tết cổ truyền

1. Ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng tượng trưng cho đất, là linh hồn của nước Việt ta. Từ xưa đến nay, ai ai cũng biết bánh chưng gắn liền với câu chuyện về chàng hoàng tử Lang Liệu chịu thương, chịu khó làm ra hạt thóc, hạt gạo và sử dụng những sản phẩm cho chính tay mình làm ra dâng lên vua cha.

Quây quần gói bánh chưng là nét đẹp trong văn hóa cổ truyền bao đời nay

Ý nghĩa của việc làm bánh chưng là để ca ngợi sự cần cù, sáng tạo của người dân lao động Việt Nam. Việc gói bánh chưng mỗi khi Tết đến còn thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của nhân dân ta.

Bên cạnh đó, ý nghĩa của việc gói bánh chưng ngày Tết còn là biểu hiện của sự sum vầy, đoàn kết. Trong thời điểm năm cũ sắp qua, năm mới đang tới, các thế hệ quây quần bên nhau để cùng gói bánh chưng là thời điểm gia đình sum vầy, hạnh phúc.

2. Nguyên liệu làm bánh chưng

Nguyên liệu bánh chưng gồm những thứ cơ bản sau:

– Gạo nếp: 1kg

– Đậu xanh cà vỏ: 500g

– Thịt ba chỉ: 300g

– Gia vị: hành khô, tiêu, muối

– Lá dong, giây lạt, khuôn

Những nguyên liệu không thể thiếu để làm được bánh chưng xanh

2.1 Cách chọn gạo nếp gói bánh chưng

Nguyên liệu nấu bánh chưng mặc dù không cầu kỳ nhưng cũng yêu cầu bạn lựa chọn cẩn thận. Gạo nếp là nguyên liệu gói bánh chưng chủ yếu. Gạo nếp nào gói bánh chưng ngon nhất?

– Nên chọn gạo nếp cái hoa vàng để bánh được dẻo thơm.

– Nếu chọn gạo nếp làm bánh chưng là loại thường thì cần thời gian ngâm hoặc nấu lâu hơn một chút để bánh dền.

2.2 Khuôn làm bánh chưng

Ông bà ta ngày xưa gói bánh chưng bằng tay không cần sử dụng khuôn. Song, để tiết kiệm thời gian và làm cho công đoạn gói bánh dễ hơn thì bạn có thể sử dụng khuôn gói bánh chưng.

Khuôn gói bánh chưng thông minh

Khuôn bánh chưng có thể tự làm tại nhà bằng gỗ. Hiện nay trên các trang mạng xã hội cũng bán rất nhiều khuôn bánh chưng thông minh giúp cho việc gói bánh thuận tiện hơn.

3. Hướng dẫn cách làm bánh chưng đẹp

Để gói bánh chưng ngon và vuông vắn, bạn thực hiện theo hướng dẫn sau:

3.1 Sơ chế nguyên liệu

Lá dong rửa sạch 2 mắt, lau khô.

+ Dùng dao sắc rạch bỏ bớt phần sống lưng cứng ở trên đầu cho dễ gói.

– Lạt tre bạn mang ngâm nước khoảng 8 giờ cho lạt mềm ra để lúc buộc không bị gãy (nếu lạt to thì xé nhỏ ra).

Lau rửa lá dong thật sạch để gói bánh

Gạo nếp nhặt bỏ hạt hỏng, sạn, vo thật sạch và mang đi ngâm trong 8 tiếng.

– Để ráo nước rối cho một ít muối vào xóc cho gạo ngấm.

Cách ngâm gạo nếp gói bánh chưng rất quan trọng, bạn cần tiến hành ngâm đủ thời gian để bánh dẻo thơm.

Ngâm nếp cho nở để gói bánh

Đỗ xanh nhặt bỏ sạn và ngâm trong 4 tiếng cho nở

– Đãi hết vỏ nếu có và vớt ra để ráo.

– Thêm một ít muối vào đậu, trộn đều lên.

Cách làm bánh Tét ngon bằng là chuối | Món ngon ngày Tết Nam Bộ

Thịt ba chỉ rửa sạch, thái miếng dài khoảng 4cm rồi ướp muối, tiêu và hành cho thơm.

+ Thời gian ướp thịt khoảng 1 giờ thì thịt sẽ ngấm ngon (không dùng nước mắm ướp thịt vì không bảo quản bánh được lâu).

Thái thịt ba chỉ và ướp gia vị

3.2 Cách gói bánh chưng

Bước 1: Xếp lạt thành hình chữ nhật bên dưới sau đó đặt khuôn lên.

+ Gấp lá dong vuông vức sau đó xếp vào khuôn thành các cạnh hình chữ nhật.

+ Khi xếp, bạn lưu ý để mặt xanh đậm quay vào trong, mặt nhanh nhạt ra ngoài, vì mặt đậm tiếp xúc với gạo nếp sẽ làm cho bánh sau khi luộc có màu xanh đẹp.

Trong cách làm bánh chưng, gấp lá tạo hình là khâu khó nhất

Bước 2: Múc 1 bát gạo nếp khoảng 200g cho vào khuôn, tiếp đến là 1 bát con đậu xanh (100g), mặt trên là thịt ba chỉ.

+ Tiếp theo, là một lớp đậu, 1 lớp gạo nếp cũng với lượng tương tự như vậy.

+ Bạn đổ thật khéo để đậu và thịt nằm trọn trong lớp gạo.

Đổ gạo, nếp và thịt vào khuôn cho thật khéo

Bướ 3: Dùng tay ấn nhẹ cho gạo nén xuống sau đó gập các cạnh lá lại và cắt bỏ những phần thừa đi.

+ Một tay giữ lá, một tay kéo khuôn ra nhẹ nhàng rồi kéo hai đầu của sợi lạt lại để cột bánh.

+ Cột cho hết các lạt theo hình ngang, dọc cho thật đều để được chiếc bánh chưng vuông, chắc chắn.

+ Gói xong, bạn cắt bỏ phần lạt thừa để bánh gọn gàng.

Buộc dây lạt cho thật đều sẽ giúp bánh vuông vắn

3.3 Luộc bánh và ép bánh

– Sau khi gói xong, bạn xếp lá dong và phần sống lá lúc đầu cắt đi vào đáy nồi.

– Tiếp đến sắp bánh vào nồi cho thật khéo để luộc được hết tất cả các bánh.

– Đổ nước đầy nồi, ngập cao hơn bánh.

– Đun lửa to, khi thấy nước sôi bạn giảm lửa xuống và nấu bánh chưng với lửa liu riu trong khoảng 12 giờ thì bánh chín.

Luộc bánh ở lửa vừa trong vòng 8 tiếng

Thời gian nấu bánh chưng bắt buộc phải đủ vì nếu nấu nhanh bánh sẽ sống hoặc để một thời gian bị lại gạo không ngon. Đồng thời, để trong quá trình nấu không bị cháy, bạn cần canh lửa và châm nước thường xuyên để đảm bảo nước lúc nào cũng ngập bánh.

Ép bánh với vật nặng giúp bánh dền, dẻo

– Bánh chín, vớt ra để lên một mặt phẳng.

– Dùng bàn hoặc miếng ván to đậy lên bánh rồi đặt lên đó vật nặng để ép cho nước trong bánh chảy ra.

+ Đây là bí quyết để cho bánh chưng dền ngon mà không bị nhão và có trong cách làm bánh chưng từ xưa tới nay.

4. Sắc màu tết qua các loại bánh chưng

Ngoài cách làm bánh chưng truyền thống như bài viết vừa hướng dẫn thì hiện nay cũng có rất nhiều loại bánh chưng khác. Bữa cơm ngày Tết vì thế mà phong phú và hấp dẫn hơn. Bánh chưng tết 2021 sẽ đa dạng, nhiều màu sắc hơn với các loại bánh sau:

4.1 Bánh chưng chay

Bánh chưng chay ngon nhất là những loại bánh như bánh chưng gấc, bánh nhân bí đỏ và hạt sen, bánh gạo lứt, bánh đậu xanh và mứt bí hoặc bánh với các loại hạt như hạt điều, nho khô…

Bánh chưng chay thanh đạm cho ngày Tết tròn vị

Cách làm bánh chưng chay khá đơn giản. Bạn chỉ cần:

– Thay thế phần nhân thịt trong công thức làm bánh chưng truyền thống ở trên bằng các loại rau củ quả, hạt để được bánh chưng chay.

– Gói bánh chưng chay ngon cũng không quá cầu kỳ.

– Một số thường thường thắp hương chay nên cũng thích loại bánh này hơn là bánh nhân mặn.

4.2 Bánh chưng nếp cẩm

Bánh chưng gạo nếp cẩm tạo cho bánh màu sắc đẹp mắt và vị cũng khá độc đáo. Loại bánh này khi luộc lên sẽ có màu tím cẩm kết hợp với màu vàng của đậu xanh rất hấp dẫn.

Bánh chưng nếp cẩm với màu tím đặc trưng

Cách làm bánh chưng nếp cẩm gần giống với bánh chưng truyền thống.

– Bạn trộn gạo nếp cẩm với gạo nếp trắng theo tỷ lệ đều nhau hoặc muốn màu đậm thì lấy phần nếp cẩm nhiều hơn.

– Sau đó tiến hành gói với đậu và thịt ba chỉ cùng các gia vị.

So với bánh truyền thống thì trong cách gói bánh chưng nếp cẩm, chỉ thêm một chút nguyên liệu là bạn đã có chiếc bánh khá lạ mắt cho ngày Tết.

4.3 Bánh chưng cốm

Bánh chưng cốm ngon được làm từ cốm tươi non. Bánh có màu xanh đặc trưng của cốm. Khi ăn mọi người cũng cảm nhận được vị bùi, béo và dẻo thơm của cốm.

Bánh chưng cốm xanh, dẻo thơm

Cách làm bánh chưng cốm gần giống với làm bánh chưng nếp cẩm.

– Bạn trộn gạo nếp và cốm theo tỷ lệ 2:1

– Sau đó mang đi gói cùng đậu xanh, thịt ba chỉ.

– Cách gói bánh chưng cốm tương tự với bánh chưng truyền thống mà bài viết hướng dẫn ở trên.

4.4 Bánh chưng gấc

Nếu như trong ngày Tết mọi người thường nấu xôi gấc để bày lên bàn thờ tổ tiên thì bánh chưng gấc đỏ cũng được nhiều nhà ưa chuộng bởi màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn.

Bánh chưng gấc đỏ tươi là biểu tượng của sự may mắn

Cách làm bánh chưng gấc cũng không quá cầu kỳ, thành phẩm sẽ là những chiếc bánh màu đỏ rất bắt mắt.

– Bánh chưng gấc ngon được làm từ các nguyên liệu cơ bản là gạo nếp, thịt gấc, đậu xanh, thịt ba chỉ và gia vị.

– Bạn lấy thịt gấc rồi trộn với gạo nếp cùng một ít đường và rượu trắng để gạo lên màu đỏ đẹp.

– Sau đó mang đi gói bánh.

Cách làm bánh chưng gấc đỏ quan trọng nhất là khâu trộn gấc tạo màu. Sau khi đã trộn được gấc xong, bạn tiến hành cách gói bánh chưng gấc như với bánh chưng truyền thống.

4.5 Bánh chưng ngũ sắc

Bánh chưng ngũ sắc ngon là bánh được làm từ gạo nếp tạo màu cùng các màu tự nhiên: màu tím từ bắp cải tím, màu vàng từ bột nghệ, màu xanh từ lá dứa, màu đỏ từ gấc, màu trắng là gạo nếp trắng.

Bánh chưng ngũ sắc độc đáo, lạ mắt

Cách làm bánh chưng ngũ sắc cầu kỳ hơn ở khâu trộn nếp tạo màu.

– Chia gạo nếp ra thành 5 phần bằng nhau

– Lúc gói bánh bạn đổ gạo đã tạo màu vào những phần riêng.

– Tiến hành gói lại cùng đậu xanh, thịt ba chỉ.

Cách gói bánh chưng ngũ sắc cần một chút khéo léo để lúc gói gạo nếp đã tạo màu không bị lẫn vào nhau.

5. Cách bảo quản bánh chưng

Bánh chưng sau khi luộc xong, ép chặt để ra bớt nước rồi bạn để nơi thoáng mát, sạch sẽ. Ở nhiệt độ thường, khi thời tiết mát mẻ, bánh chưng có thể bảo quản được 1 tuần. Ngày nay mọi người cũng thường hút chân không hoặc bảo quản tủ lạnh.

5.1 Bánh chưng hút chân không

Bánh chưng hút chân không là bạn sử dụng máy hút chân không, hút sạch không khí bên trong túi để bánh không tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Thông thường sau khi hút chân không bánh có thể để được tới 10 ngày.

Bánh chưng hút chân không sạch sẽ và bảo quản được lâu hơn

Cách bảo quản bánh chưng hút chân không đơn giản nhất là để nơi khô ráo, sạch sẽ. Một số người cũng có cách bảo quản bánh chưng hút chân không khá hay là cho vào ngăn đá tủ lạnh, lúc này thời gian có thể lên tới 20 ngày.

5.2 Bánh chưng cất ngăn tủ lạnh

Khi trời nóng, bánh chưng sẽ nhanh hỏng. Lúc này bạn nên để ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Bánh để tủ lấy ra lúc đầu sẽ bị cứng, bạn có thể hấp lại cho bánh dẻo thơm hơn hoặc dùng làm bánh chưng rán cũng rất ngon.

Cho bánh vào túi bóng hoặc lấy giấy báo gói lại rồi cất tủ lạnh sẽ được lâu hơn

6. Cách cắt bánh chưng đẹp

Cách cắt bánh chưng đẹp cũng rất quan trọng. Bởi vì sau khi bạn đã có thành phẩm là bánh chưng dẻo, dền thơm nhưng không biết cắt sẽ khiến cho bánh mất thẩm mỹ và vì thế độ thơm ngon giảm đi.

Dùng lạt cắt bánh sẽ tạo ra được những miếng bánh đều nhau

Cắt bánh chưng bằng lạt thì sẽ tạo ra được những miếng bánh cân đối, đẹp mắt.

– Bạn chỉ cần sử dụng 4 chiếc lạt nhỏ,

– Đặt cân đối ngang – dọc – chéo hai bên và lấy đĩa đặt lên bánh

– Lật úp lại và tiến hành cắt.

Để cắt bánh bằng lạt đẹp thì bạn cần nhớ thứ tự các dây lạt mình đặt. Cắt theo quy tắc dây lạt nào đặt đầu tiên thì sẽ dùng cắt bánh cuối cùng. Chỉ cần nắm hai đầu dây lạt, kéo lại gần nhau là bạn đã cắt được các lát bánh đẹp mà không hề dính.

Bài viết đã hướng dẫn cách làm bánh chưng truyền thống và giới thiệu một số loại bánh chưng khác. Bạn tham khảo để trong dịp Tết này gói bánh chưng cho Tết thêm phần ý nghĩa.

Hãy cùng vào bếp với congthucnauan.net để có thật nhiều món ngon cho gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới nhé. Chúc các bạn thành công.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *