
Hằng năm, khi Tết đến, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị những món ăn ngon ngày tết để dâng lên ông bà tổ tiên như một lời cảm ơn chân thành nhất. Mâm cỗ ngày Tết miền Nam có gì đặc biệt so với miền Bắc, miền Trung không? Mỗi năm khi Tết sắp […]
Hằng năm, khi Tết đến, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị những món ăn ngon ngày tết để dâng lên ông bà tổ tiên như một lời cảm ơn chân thành nhất. Mâm cỗ ngày Tết miền Nam có gì đặc biệt so với miền Bắc, miền Trung không?
Mỗi năm khi Tết sắp đến, mọi người không chỉ nô nức dọn nhà để chào đón thời khắc đặc biệt này mà còn mua nhiều thực phẩm để chuẩn bị cho mâm cỗ Tết. Mời các bạn khám phá điều thú vị này trong bài viết sau.
Nội dung bài viết
- 1. Giá trị văn hóa trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam
- 2. Mâm cỗ ngày tết miền Nam có gì độc đáo?
- 3. Những món ăn ngày Tết miền Nam không thể thiếu
- 4. Mâm cỗ ngày tết miền Nam cúng giao thừa
- 5. Thực đơn mâm cỗ Tết miền Nam ngày mùng 1
- 6. Mâm cỗ ngày Tết miền Nam ngày mùng 2
- 7. Thực đơn mâm cỗ ngày tết miền nam ngày mùng 3
- 8. Món ăn ngày Tết miền Nam quen thuộc
1. Giá trị văn hóa trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam
Nếu như người miền Bắc quan niệm “ăn Tết” thì với người miền Nam Tết là để vui chơi, thăm thú bạn bè – “chơi Tết”. Vì vậy, trong mâm cỗ Tết của người miền Nam không hề cầu kỳ mà có phần đơn giản hơn.

Tuy vậy, cỗ Tết cũng rất trang trọng để dâng lên bàn thờ tổ tiên nhằm thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn đối với thế hệ đi trước. Những món ăn được bày biện trong mâm cỗ còn biểu tượng cho mong ước về một cuộc sống hòa thuận, sum vầy, hạnh phúc.
>>> Xem thêm: Mâm cỗ ngày Tết của người Việt xưa và nay
Người miền Nam không chịu ảnh hưởng nhiều của lễ giáo phong kiến và các tập tục cổ xưa. Vậy nên, họ không khắt khe trong bày biện mâm cúng. Chỉ cần đó là một mâm cỗ giản dị, thân thương và bày biện cẩn thận để dâng lên tổ tiên là đã thể hiện được tấm lòng chân chất của người dân nơi đây.
2. Mâm cỗ ngày tết miền Nam có gì độc đáo?
Nhìn chung, mâm cỗ miền Bắc rất được trau chuốt từ chất lượng món ăn tới hình thức và cách bày biện. Mâm cỗ của “khúc ruột” miền Trung là sự giao thoa của hai vùng miền nhưng cũng mang những nét riêng. Trong khi đó, người miền Nam vốn đơn giản nhưng vẫn thể hiện được sự trang trọng.
Mâm cỗ cúng của dân Nam Bộ không cầu kỳ
Người miền Nam khá dễ tính vì vậy bày biện mâm cỗ không cầu kỳ và cũng không coi trọng hình thức. Số lượng món ăn có thể đơn giản hơn và không đa dạng như các vùng miền khác.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà người miền Nam không coi trọng chuyện thắp hương, cúng bái ngày Tết. Với họ, chỉ cần một mâm cỗ đơn giản để dâng lên ông bà, tổ tiên mỗi dịp Tết đến là đủ chứng minh lòng thành của mình.
3. Những món ăn ngày Tết miền Nam không thể thiếu
Dù vật đổi sao dời thì ba món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Nguyên Đán của người miền Nam là bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt và thịt kho hột vịt (thịt kho tàu). Những món ăn này đã được duy trì từ nhiều đời nay và là món không thể thiếu trong món ăn Tết miền Nam.
Canh khổ qua là món ăn đặc trưng nhất của người miền Nam
Với người dân Nam Bộ, Tết đến mà không có những món ăn này cũng giống như không phải Tết. Dù bạn có chuẩn bị cao lương mỹ vị thế nào cũng không thể thiếu được ba món đặc trưng ấy.
>>> Xem thêm: Những món ăn trong mâm cỗ ngon miền Bắc ngày Tết Nguyên Đán
Bên cạnh đó, lạp xưởng, tôm khô củ kiệu, gỏi gà xé phay…cũng là món ăn ngày Tết miền Nam quen thuộc và được nhiều người yêu thích và thường xuất hiện trong mâm cơm ngày Tết.
3.1 Bánh tét
Nếu như bánh chưng là món ăn truyền thống ngày Tết của người miền Bắc thì bánh tét lại không thể không có trong những món ăn ngày Tết miền Nam. Có thể nói, thiếu bánh tét thì Tết của người Nam không thể tròn vị.
Bánh tét là món ăn truyền thống của người miền Nam trong dịp Tết Nguyên Đán
Bánh tét là sản phẩm của sự chăm chỉ, cần cù của người dân nông nghiệp lúa nước. Loại bánh này tượng trưng cho trời đất, cho sự đoàn kết và là lời cảm tạ tới ông bà tổ tiên cho mùa màng bội thu.
>>> Xem thêm: Cách làm bánh tét bằng là chuối
Người miền Nam làm bánh tét rất đa dạng. Có thể là bánh được làm từ nếp, đậu xanh và thịt ba chỉ, nhưng cũng có thể là các loại khác như bánh đậu đen, nếp cẩm, dừa nạo, lá cẩm, lá dứa… Bánh được tạo hình tròn hoặc hoa mai, chữ phúc, chữ thọ vô cùng bắt mắt.
3.2 Canh khổ qua nhồi thịt
Một số người thắc mắc tại sao không thể thiếu được món canh khổ qua trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam. Người Nam quan niệm rằng đầu năm ăn canh khổ qua thì những khổ sở, xui xẻo của năm cũ sẽ qua đi để một năm mới đến tràn đầy những điều may mắn và hạnh phúc.
>>> Xem thêm: Cách nấu canh khổ qua nhồi thịt không bị đắng
Nhắc tới món ăn ngày Tết miền Nam là nhắc tới canh khổ qua nhồi thịt
Đây là ước mong mà phần lớn mọi người đều có. Bên cạnh đó, canh khổ qua thanh mát cũng là một món ăn giúp giải nhiệt, chống ngán và thích hợp với tiết trời oi nóng của người miền Nam. Vậy nên, các món ăn từ khổ qua như canh khổ qua nhồi thịt, khổ qua kho thịt… là món ăn truyền thống được duy trì từ đời này qua đời khác.
3.3 Thịt kho hột vịt
Thịt kho hột vịt hay còn gọi là thịt kho tàu (miền bắc), cũng là các món ăn ngày Tết miền Nam không thể không có. Món ăn này vốn có nguồn gốc từ đất nước Trung Hoa, gia nhập vào nước ta và lâu dần trở thành món ăn truyền thống.
>>> Xem thêm: Cách làm thịt kho tàu ngày Tết
Thịt kho tàu thơm ngon, bùi béo
Thịt kho tàu của người dân Nam Bộ được chế biến từ thịt ba chỉ, trứng vịt cắt múi cùng nước dừa tươi. Món ăn này thể hiện mong ước của gia chủ về một năm mới suôn sẻ, vuông tròn và không khí gia đình đoàn kết, hạnh phúc.
3.4 Chả giò
Món ngon ngày Tết miền Nam không thể thiếu chả giò. Món ăn này làm từ thịt, tôm cùng các loại rau củ hòa quyện với nhau và được bọc bởi vỏ bánh giòn rụm. Chả giò là biểu tượng của sự đoàn kết, sum vầy và luôn chan chứa tình yêu thương của người dân Nam Bộ.
Chả giò giòn tan, thơm ngon cũng là đặc trưng trong ngày Tết
3.5 Lạp xưởng
Ngày Tết người miền Nam cũng thường tự tay chuẩn bị lạp xưởng để bày biện trong cỗ cúng và chiêu đãi bạn bè, người thân.
Lạp xưởng luôn có trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam
Lạp xưởng có nhiều loại như lạp xưởng cá, lạp xưởng tôm… món nào cũng ngon, cũng mang đặc trưng và hương vị của xứ sở trù phú này. Đặc biệt, lạp xưởng có màu đỏ còn mang lại sự may mắn cho gia chủ trong dịp năm mới.
3.6 Dưa kiệu
Tết với miền Bắc là hành muối, miền Trung là dưa món còn với miền Nam khi Tết đến không thể thiếu dưa kiệu (tôm khô củ kiệu). Dưa kiệu là món ăn chống ngán, dễ ăn, thích hợp để ăn kèm với bánh tét và thịt kho tàu.
Tết đến nhà nào cũng muối củ kiệu để ăn dần
3.7 Gà luộc
Cũng như mâm cỗ Tết ở các vùng miền khác, người dân Nam Bộ luôn chú trọng đến món gà trong mâm cỗ. Gà thường được buộc cánh tiên, luộc vừa chín tới và để nguyên con. Món ăn này thể hiện ước mong của gia chủ về cuộc sống no đủ, sung túc.
>>> Xem thêm: Cách làm gà cúng giao thừa đẹp
Gà luộc được bày trang trọng trong mâm cỗ cúng
Đây là những món ăn ngày Tết miền Nam đặc trưng. Nhìn chung, mâm cỗ Tết của người dân Nam Bộ phóng khoáng và không câu nệ hình thức nhưng vẫn thể hiện được lòng thành kính.
4. Mâm cỗ ngày tết miền Nam cúng giao thừa
Lễ cúng giao thừa để tiễn năm cũ, đón năm mới. Đây là một nghi thức quan trọng trong mỗi dịp Tết. Vậy nên, cứ vào 12h của đêm cuối cùng của năm (có thể là 29 với tháng tháng thiếu, 30 tháng đủ) nhà nhà người người lại dâng mâm cỗ cúng giao thừa trang trọng.
Mâm cỗ cúng giao thừa đặc trưng của dân Nam Bộ
4.1 Ý nghĩa của mâm cỗ cúng giao thừa
Cũng giống như người miền Trung, miền Bắc với người Nam lễ cúng giao thừa rất được coi trọng. Một số nhà cúng chay, gồm mâm ngũ quả, lư hương, hai cây đèn cầy, dừa tươi… Một số nhà khác lại có truyền thống cúng mặn. Lễ mặn chủ yếu gồm các món ăn truyền thống ngày Tết.
Dù cho cúng chay hay cúng mặn, lễ cúng tiễn năm cũ và đón năm mới luôn đúng với ý nghĩa là lễ trừ tịch – bỏ đi những điều xấu của năm cũ để đón chào điều tốt đẹp trong năm mới.
4.2 Các món ăn trong mâm cỗ cúng giao thừa miền Nam
Do tiết trời nắng nóng, mâm cỗ ngày Tết miền Nam ưu tiên những món ăn thanh đạm và là đồ nguội. Chẳng hạn như bánh tét, thịt kho tàu, thịt heo luộc, tôm khô củ kiệu, canh khổ qua nhồi thịt.
Tôm khô củ kiệu là món ăn đặc trưng chỉ người miền Nam mới có
Cụ thể, mâm cỗ cúng giao thừa của người dân Nam Bộ thường có các món sau:
– Bánh tét
– Đĩa củ cải ngâm nước mắm
– Canh măng nấu
– Bát canh khổ qua nhồi thịt
– Thịt kho tàu
– Thịt heo luộc
– Đĩa gỏi tôm thịt
– Đĩa chả giò
– Dưa giá
– Củ kiệu tôm khô
5. Thực đơn mâm cỗ Tết miền Nam ngày mùng 1
Mâm cỗ Tết miền Nam ngày đầu tiên của năm mới thường có những gì? Cùng tìm hiểu xem có gì khác so với miền Bắc và miền Trung hay không nhé.
5.1 Ý nghĩa của mâm cỗ cúng mùng 1
Cũng giống như mọi người trên đất nước Việt Nam, mùng 1 đầu năm được coi là ngày quan trọng nhất. Vì thế mâm cỗ cúng cũng được coi trọng và chuẩn bị tươm tất hơn.
Mâm cỗ cúng ngày mùng 1 được coi là trang trọng nhất
Mùng 1 các nhà thường ít đi chơi hoặc thăm thú họ hàng mà dành thời gian ở nhà để cúng gia tiên. Mâm cỗ được bày biện vào sáng hoặc trưa ngày mùng 1 để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho một năm bình an, làm ăn suôn sẻ. Đồng thời cũng cầu mong một năm mới may mắn, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
5.2 Các món ăn trong mâm cỗ cúng mùng 1
Trong mâm cỗ cúng ngày đầu năm, dù bày biện như thế nào thì cũng không thể thiếu được canh khổ qua và thịt kho tàu.
Những món ăn đặc trưng trong cỗ cúng ngày mùng 1
Cụ thể, những món ăn thường được sử dụng để cúng gia tiên ngày mùng 1 thường gồm có:
– Chả giò chiên
– Lạp xưởng tươi
– Gà luộc
– Gỏi gà luộc xé phay
– Củ kiệu
– Thịt kho tàu
– Canh khổ qua
– Bánh tét
6. Mâm cỗ ngày Tết miền Nam ngày mùng 2
Ngày thứ hai của năm mới, người dân Nam Bộ dành nhiều thời gian đi chúc Tết nhưng vẫn không quên dâng mâm cơm lên mời tổ tiên và các vị thần linh.
6.1 Ý nghĩa của mâm cỗ cúng mùng 2
Ngày thứ hai của năm mới, mọi người dành nhiều thời gian để vui Tết, chơi Tết. Một số người dân Nam Bộ thắp hương chay với hoa quả. Một số khác lại chuẩn bị mâm cỗ giản dị để dâng lên tổ tiên, thần phật.
Mâm cỗ cúng mùng 2 Tết thường đơn giản hơn
Mâm cỗ cúng ngày mùng 2 mong tổ tiên cùng các vị chư thần cai quản vùng đất chứng giám lòng thành, phù hộ độ trì cho gia chủ luôn được tốt lành, suôn sẻ trong công việc, cuộc sống cũng như làm ăn.
6.2 Các món ăn trong mâm cỗ cúng mùng 2
Cỗ cúng ngày mùng 2 ở miền Nam sẽ gồm những gì? Nhìn chung vẫn là những món truyền thống quen thuộc. Song, có thể biến tấu và thay đổi một chút cho hấp dẫn hơn.
Phá lấu là món ăn đặc trưng chỉ người Nam Bộ mới có
Cụ thể ngoài hoa quả, trà nhang, trầu cau thì sẽ có các món mặn sau:
– Phá lấu
– Bánh tét
– Thịt kho tàu
– Giò heo nhồi
– Canh khổ qua
– Củ cải ngâm chua ngọt
7. Thực đơn mâm cỗ ngày tết miền nam ngày mùng 3
Như truyền thống, ngày mùng 3 là ngày lễ hóa vàng. Việc chuẩn bị mâm cơm và cúng bái của người dân Nam Bộ ngày này cũng khá giản dị.
7.1 Ý nghĩa của mâm cỗ cúng mùng 3
Nếu như ngày đầu năm làm lễ cúng mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu thì tới ngày 3 hoặc 7 thường là thời khắc đẹp để tiễn tổ tiên, thần linh. Lễ hóa vàng cũng là cầu mong cho các vị thần phật lên đường bình an, may mắn để phù trì, phù hộ cho con cháu năm mới làm gì cũng hanh thông.
Mâm cỗ tiễn gia tiên mùng 3 Tết
Cho dù ngày mùng 3 người người, nhà nhà nô nức đi chơi Tết thì các bà nội trợ đảm đang cũng không bao giờ quên làm mâm cơm nhỏ để cúng tiễn chân gia tiên. Cỗ cúng được tiến hành vào trưa hoặc buổi chiều và thường làm trong giờ lành.
7.2 Các món ăn trong mâm cỗ cúng mùng 3
Cũng khá giống ngày mùng 1 và mùng 2, tới ngày mùng 3 Tết, mâm cỗ cúng của người miền Nam sẽ cũng sẽ có các loại hoa quả đặc trưng của vùng miền, hương vàng, trầu cau cùng một số món chay hoặc mặn.
Dưa giá giòn ngon, chống ngán ngày Tết
Tùy vào điều kiện mà các nhà thường chuẩn bị các món sau:
– Bánh tét
– Gà luộc
– Canh khổ qua
– Chả lụa
– Dưa giá
– Chả giò
– Bánh tráng cuốn
– Củ kiệu tôm khô
8. Món ăn ngày Tết miền Nam quen thuộc
Chúng ta đã cùng tìm hiểu mâm cỗ cúng ngày Tết miền Nam, vậy, món ăn quen thuộc trong bữa cơm ngày Tết của người dân Nam Bộ sẽ có những món gì?
Mâm cơm ngày Tết miền Nam ấm cúng
Dưới đây là các món ăn thường có trong bữa cơm gia đình hoặc chiêu đãi thực khách:
– Phá lấu
– Xôi vò
– Thịt kho tàu
– Canh khổ qua nhồi thịt
– Thịt kho khổ qua
– Gỏi cuốn
– Cá diêu hồng hấp
– Củ cải ngâm mắm
– Dưa giá
– Gỏi gà xé phay
– Củ kiệu tôm khô
– Bánh tét
Bài viết đã giới thiệu mâm cỗ ngày Tết miền Nam cùng những đặc sắc trong các món ăn ngày Tết của người dân Nam Bộ. Tuy giản dị nhưng mâm cơm nơi đây là nét văn hóa độc đáo cần được gìn giữ và lưu truyền cho tới mai sau.
Hãy cùng vào bếp với congthucnauan.net để có những món ăn ngon cho gia đình của mình trong những ngày Tết Nguyên Đán sắp tới nhé! Chúc các bạn thành công!