
Canh bóng bì lợn là một trong những món ăn ngày Tết của người miền Bắc, đặc biệt là người Hà Nội. Đây cũng là món ăn truyền thống ngày trong những ngày Tết Nguyên Đán ở nhiều nơi. Vậy, cách nấu món canh này như thế nào? Có khó không? Khám phá ngay công […]
Canh bóng bì lợn là một trong những món ăn ngày Tết của người miền Bắc, đặc biệt là người Hà Nội. Đây cũng là món ăn truyền thống ngày trong những ngày Tết Nguyên Đán ở nhiều nơi.
Vậy, cách nấu món canh này như thế nào? Có khó không? Khám phá ngay công thức trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Canh bóng bì lợn – món ngon nhắc Tết Hà Nội
Canh bóng bì lợn hay còn được gọi là canh bóng thả, là món ăn được người Hà Nội chế biến trong dịp đặc biệt như lễ, Tết hoặc khi nhà có khách quý. Sở dĩ món ăn có tên gọi nghe lạ tai – canh bóng thả, vì nguyên liệu là từ bì heo nướng lên cho nở phồng và trông rất giống những chiếc bong bóng thả nổi trên mặt canh.

Mặc dù xã hội phát triển, món ăn có phần cầu kỳ trong chế biến này đã không còn được thịnh hành nữa, song khi nhắc tới ẩm thực Hà Nội, nếu bỏ qua canh bóng bì là một thiếu sót lớn.
2. Nguyên liệu để nấu canh bóng bì lợn
Nếu có dịp, bạn hãy tự tay chế biến món canh bóng bì thập cẩm để xem món ăn này có gì đặc sắc mà khiến người Hà Thành phải xuýt xoa. Nguyên liệu cho canh bóng thả bao gồm:
– Da heo: 200g
– Xương: 200g
– Súp lơ xanh; 100g
– Đậu Hà Lan: 50g
– Su hào: ½ củ
– Giò sống: 100g
– Cà rốt: 1 củ
– Trứng gà: 2 quả
– Gấc chín: một ít
– Rượu trắng: một bát con
– Gừng, hành tây, nấm hương: mỗi thứ một ít
– Muối, bột canh, mì chính, hạt nêm, nước mắm, bột bắp
Bóng bì lợn có bán sẵn ở các cửa hàng thực phẩm hoặc siêu thị
2.1 Cách chọn nguyên liệu
Muốn món canh bóng ngon, bắt buộc bạn phải biết cách chọn bóng bì lợn (da heo khô).
– Bóng ngon, sạch là loại có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt.
+ Đây là những loại không bị tẩy trắng bằng hóa chất, an toàn khi sử dụng.
+ Những loại có màu vàng nâu lại thường không ngon vì chúng khô xác. Vậy nên, bạn cũng không nên chọn loại này để nấu canh bóng thả.
Bóng bì khô được bán nhiều ở các cửa hàng thực phẩm hoặc siêu thị. Tuy nhiên, ngày xưa người Hà Nội thường tự làm bóng bì. Công đoạn này khá cầu kỳ nhưng thành phẩm là những miếng bóng thơm ngon.
3. Cách nấu canh bóng bì lợn ngon ngày Tết
Nấu canh bóng bì lợn khá cầu kỳ, vậy nên trong cuộc sống bận rộn, nhiều nhà đã không còn giữ tục lệ này nữa. Để thưởng thức món ăn đậm nét Hà Nội, bạn thực hiện theo các bước sau:
3.1 Sơ chế nguyên liệu
– Ngâm bóng bì với nước cho nở mềm.
– Giã nát gừng rồi trộn cùng rượu trắng sau đó dùng để xát lên da heo khử mùi hôi.
– Rửa bóng bì dưới vòi nước cho thật sạch và dùng khăn thấm khô.
Công đoạn khử mùi hôi của bóng bì với gừng và rượu trắng
– Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và thái miếng mỏng.
– Súp lơ rửa sạch, chẻ dọc và thái miếng nhỏ.
– Đậu Hà Lan rửa sạch, bỏ xơ;
– Su hào gọt vỏ, rửa sạch cắt hoa hoặc miếng mỏng.
– Nấm hương ngâm với nước ấm, cắt bỏ chân; Gấc nạo lấy thịt để ra bát riêng. Hành lá chần sơ.
3.2 Nấu nước dùng
– Xương lợn rửa sạch hoặc chần qua một lần với nước sôi cho hết mùi hôi.
– Cho xương heo vào nồi cùng một ít gia vị và ninh cho xương nhừ để lấy nước dùng nấu canh.
Trong quá trình nấu nước dùng bạn nhớ hớt bọt cho nước trong
3.3 Ướp giò sống và bóng bì
– Cho giò sống vào bát tô to hoặc một chiếc nồi miệng rộng.
– Tiếp đến bạn cho vào đó 1 muỗng canh thịt gấc, 1 muỗng hạt nêm, 1/2 thìa cà phê tiêu rồi đeo bao tay trộn thật đều.
– Cho 1 thìa cà phê thịt gấc vào bát bóng bì đã được sơ chế sạch, cũng trộn lên như với giò sống để bóng có màu đỏ đẹp mắt.
Ướp giò sống với gấc và gia vị
3.4 Rán trứng
– Đập trứng ra bát tô, thêm vào đó một ít gia vị rồi rán trứng thật mỏng.
– Nếu chảo nhỏ, có thể chia thành 2 lần tráng để được trứng mỏng đẹp.
Rán trứng mỏng để dễ cuộn với bóng bì
3.5 Cuộn bóng bì và hấp
– Trải miếng bóng bì ra thớt hoặc mặt phẳng khô sạch
+ Lấy muỗng múc giò sống phết lên trên.
+ Tiếp theo là trứng chiên và cuộn tròn lại.
+ Sau khi cuộn xong, dùng hành lá đã chần sơ ở trên buộc lại cho chặt.
– Thực hiện cho tới khi hết nguyên liệu và cho vào nồi để hấp bóng bì.
– Hấp cách thủy 10 – 15 phút rồi vớt ra để nguội và cắt thành miếng vừa ăn.
Công đoạn cuộn bóng bì là công đoạn khó nhất trong món canh bóng bì lợn
3.6 Nấu canh bóng thập cẩm
– Lúc này nước dùng ninh xương đã xong, bạn cho vào đó phần giò sống còn thừa bằng cách viên từng viên nhỏ.
– Khi thấy giò sống nổi lên là đã chín thì bạn tiếp tục cho su hào, súp lơ, cà rốt, đậu Hà Lan, nấm hương vào.
– Nấu cho rau củ chín tới đồng thời nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.
Cho các nguyên liệu vào để nấu canh bóng
4. Cách trang trí canh bóng bì lợn đẹp mắt
Để trang trí cho bắt canh bóng bì lợn được thuận mắt bạn múc canh vừa chín tới ra bát tô to và điểm thêm những miếng giò sống cho hài hòa, đẹp mắt.
Tùy vào độ khéo tay mà bạn khéo léo sắp xếp rau củ quả.
– Có thể dàn vài quả đậu xen kẽ với hoa cà rốt, một ít nấm hương cùng với bóng bì và giò sống để tạo ra bát canh đầy màu sắc.
– Trên cùng bạn cũng đừng quên rắc một ít tiêu và mấy cọng hành ngò để điểm tô cho bát canh bóng.
Bát canh bóng thanh ngọt, màu sắc hài hòa
Như vậy, các công đoạn trong món canh bóng thả đã hoàn thành. Bạn đã có bát canh nóng hổi, thơm phức và rất đẹp cho cả nhà cùng thưởng thức. Canh bóng bì lợn có vị ngọt thanh của nước dùng, bóng bì giòn nhẹ, rau củ chín tới không nát.
Trên đây là cách nấu canh bóng bì lợn ngon chuẩn vị miền Bắc. Chắc chắn với hướng dẫn này, bạn sẽ dễ dàng chế biến món ăn mà không tốn quá nhiều thời gian.
Hãy cùng vào bếp với congthucnauan.net để có thật nhiều món ngon cho gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới nhé. Chúc các bạn thành công.